Tin tức » Tin KHCN
Hội thảo “Nghiên cứu phát triển công nghệ, chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong an ninh-quốc phòng”
Thứ ba, 14.07.2015

Tham dự Hội thảo có GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và trên 70 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Tổng cục, Cục, Vụ quản lý chuyên ngành, Viện nghiên cứu, Học viện, Trường đại học, Nhà máy, thuộc các bộ và cơ quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã nghe các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án báo cáo những kết quả chính mà dự án KHCN trọng điểm cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam “Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong an ninh-quốc phòng” đạt được sau gần 2 năm thực hiện. Dự án bao gồm 03 hợp phần với mục tiêu nghiên cứu phát triển công nghệ nhằm chế tạo ra vật liệu mới ứng dụng trong an ninh-quốc phòng.

Hợp phần 1: Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính

Kết quả nổi bật của hợp phần là đã chế tạo thành công 03 sản phẩm mới gồm: áo phao chống đạn súng ngắn K54, áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47, tấm chống đạn súng bắn tỉa. Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng các loại vật liệu gia cường có kích thước nanomet cho một số sản phẩm đang sản xuất như mũ bảo hiểm chống va đập, bộ ốp bảo vệ tay chống va đập, bộ ốp mềm bảo vệ chân, tấm chống đạn súng tiểu liên AK47, đã giảm được khối lượng của sản phẩm này xuống chỉ còn từ 80 – 85% so với sản phẩm của nước ngoài mà tính năng chống xuyên vẫn không thay đổi. Toàn bộ các sản phẩm mới nghiên cứu cũng như các sản phẩm cải tiến giảm trọng lượng đều đã được thử nghiệm khả năng chống xuyên trên thực tế bằng bắn đạn thật theo tiêu chuẩn.

Hợp phần 2: Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vônfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự

Qua Hội thảo thấy rằng, đạn xuyên động năng có nhiều ưu điểm như tính dễ sử dụng, bắn được trên nhiều loại pháo, không cần súng bắn chuyên dụng. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam chưa chế tạo được loại đạn này. Tập thể nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm đã cùng với các đồng nghiệp từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng/Bộ Quốc phòng nghiên cứu chế tạo thành công đạn xuyên cho pháo 85 mm. Trong đó, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm đảm nhận chế tạo lõi xuyên, nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhận chế tạo các phần tử khác của quả đạn. Đến nay, hợp phần đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo lõi xuyên đạn pháo 85mm bằng hợp kim WC-Ni trên cơ sở công nghệ ép nóng đẳng tĩnh sau thiêu kết (Post – HIP). Qua đo đạc thử nghiệm, lõi xuyên do hợp phần chế tạo có đặc tính kỹ thuật tương đương, thậm chí một số thông số còn tốt hơn lõi đạn xuyên của Nga. Kết quả bắn thử nghiệm đạn thật lần 1 cho thấy, các tính năng của quả đạn như sơ tốc đầu nòng, áp suất…đều đạt như thiết kế. Tính năng xuyên của lõi đạn đạt được theo yêu cầu là xuyên được  thép dày 126mm. Hội thảo cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu chế tạo một số chủng loại đạn xuyên động năng lớn hơn, với khả năng xuyên thép dày hơn để phục vụ trong quân đội.

Các sản phẩm được trưng bày tại hội thảo

Hợp phần 3: Nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong dầu bôi trơn tản nhiệt cho trang thiết bị quân sự

Kết quả chính đạt được của hợp phần là đã nghiên cứu chế tạo 8 loại dầu bôi trơn có chứa ống nano cacbon đa tường với hàm lượng thay đổi từ 0,1 - 0,4 mg/l dầu gốc. Đã nghiên cứu xác lập quy trình và chế tạo thử nghiệm được 300 lít dầu bôi trơn chứa ống nano cacbon. Đã thử nghiệm các hệ dầu này trên 6 chủng loại phương tiện cơ giới quân sự tại Viện Kỹ thuật cơ giới Quân sự, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đạt kết quả tốt.

 

Các nhà khoa học báo cáo tại hội thảo

Tính đến thời điểm diễn ra hội thảo, dự án đã thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, một số nội dung vượt tiến độ và vượt chỉ tiêu chất lượng so với đăng ký.  Một số kết quả của dự án là những kết quả lần đầu tiên đạt được ở Việt Nam, qua đó khẳng định nội lực khoa học công nghệ của Việt Nam,  cũng như tạo cơ sở cho việc chủ động sản xuất một số chủng loại vật liệu đặc chủng trong nước phục vụ an ninh – quốc phòng. Hội thảo cũng gợi mở một số hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực vật liệu có tính năng đặc biệt mà Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đang có nhu cầu đặt hàng nghiên cứu. 

Tin bài: Trung tâm Phát triển công nghệ cao

Các tin mới hơn:
» Xưởng Cơ khí - Điện tử bàn giao sản phẩm cho Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (21.01.2016)
» Đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở dự án: Tăng cường trang thiết bị cho Xưởng Cơ khí – Điện tử (28.12.2015)